Chiến lược quản lý chất thải rắn tại thành phố Đà Nẵng – “Dự án D-3RYU”
Sáng 19/08/2020, ông Đinh Quang Cường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – Giám đốc quỹ BVMT thành phố Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đối tác Nhật Bản để thảo luận nội dung cụ thể về các hoạt động và giải pháp đối với “Dự án đối tác phát triển JICA nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế CTR (3R) tại thành phố Đà Nẵng: kết hợp với kinh nghiệm quản lý CTR đô thị của TP.Yokohama” (viết tắt là “Dự án D-3RYU”) được triển khai trong khuôn khổ chương trình đối tác phát triển JICA.
Xem thêm: Tập trung triển khai nhiệm vụ về lĩnh vực môi trường
Tham dự cuộc họp tại đầu cầu ở Nhật Bản có đại diện thành phố Yokohama, cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) và Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES). Theo dự kiến ban đầu của IGES và Chi cục Bảo vệ môi trường, “Dự án D-3RYU” sẽ diễn ra trong thời gian 3 năm (2020 – 2023) nhằm đề xuất “Kế hoạch/Quy hoạch về Quản lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng cho giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; kèm theo là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý các nguồn thải; một số cơ chế tài chính nhằm đảm bảo bền vững công tác thu gom, xử lý chất thải rắn và một số dự án thí điểm nhằm thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn và phân loại rác tại nguồn của thành phố Đà Nẵng.
Ông Đinh Quang Cường đang theo dõi nội dung trao đổi giữa hai bên
Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều bước tiến đổi mới trong mọi mặt: văn hóa, kinh tế – xã hội, an ninh đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các nhà hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước đến nghiên cứu và đầu tư vào Đà Nẵng trong các lĩnh vực: du lịch, chế tạo, sản xuất… các lĩnh vực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong thành phố mà bên cạnh đó còn tạo ra những cơ hội việc làm hấp dẫn cho người dân trong TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận với mục tiêu cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đi lên không ngừng của TP đã kéo theo các vấn đề tồn đọng chưa được khắc phục hiệu quả. Một trong các vấn đề đó là việc “Quản lý chất thải rắn” phát sinh cũng như việc “Phân loại chất thải rắn” tại nguồn luôn được thành phố chú ý, quan tâm.
Hằng năm thành phố luôn có những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những đề án, phương án với mục tiêu quản lý, giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp hằng ngày và thu hồi một phần giá trị kinh tế từ việc phân loại CTR tại nguồn. Các phương án, đề án trên có ý nghĩa to lớn trong việc vừa đem lại kinh tế và vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang sinh sống, làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
Thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản cho “Dự án đối tác phát triển JICA nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế CTR (3R) tại thành phố Đà Nẵng: kết hợp với kinh nghiệm quản lý CTR đô thị của TP.Yokohama”, ông Đinh Quang Cường mong muốn sẽ đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững của công tác “Quản lý chất thải rắn”, đặc biệt công tác “Phân loại CTR”, góp phần thực hiện các mục tiêu hướng đến ”Thành phố môi trường” của Đà Nẵng./.
QBVMT