Lợi ích của than sinh học thân thiện với môi trường
Tận dụng những phế phẩm nông, lâm nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa, vỏ lạc…, gia đình ông Nguyễn Như Tám, xã Quang Sơn (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã sản xuất ra một loại than mới – than sinh học thân thiện với môi trường.
Để tạo ra than sinh học, phải qua các bước như: xử lý nguyên liệu, xây dựng lò đốt và thực hiện quy trình đốt. Đối với nguyên liệu, mùn cưa sau khi được phối trộn thêm các phụ gia, nguyên liệu sẽ được ủ mục, nghiền nhỏ để trở thành mùn hỗn hợp. Sau đó, được ép thành hình ống với độ dài khoảng 50cm, rỗng ruột, cuối cùng đem nung trong lò khoảng 70 giờ và tiếp tục ủ từ 13 – 15 ngày để chuyển hóa thành than.
Ưu điểm vượt trội của than sinh học là không khói, không mùi, cháy lâu, giá thành rẻ và không gây độc hại cho môi trường cũng như người sử dụng. Ngoài ra, than sinh học còn có thể sử dụng làm chất phụ gia đưa vào đất trồng để cải tạo đất.
Mô hình này không chỉ tạo được chất đốt an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mở ra triển vọng giải quyết tình trạng khan hiếm chất đốt ở nông thôn, đặc biệt là góp phần giải quyết số lượng lớn phế phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và giảm một phần chi phí rất lớn trong việc xử lý chất thải là các phụ phẩm nông, lâm nghiệp ra môi trường.